Welcome to TTKS/KTQN

CLICK HERE TO OPEN

Friday, December 14, 2012

CAODAISM IN VIET NAM


TÌM HIỂĐẠO CAO ĐÀI

Nghe ca bài Ai xuôi vạn lý (Hòn vọng phu II, trong bộ ba ca khúc Hòn vọng phu bất hủ) “…Đá mòn nhưng lòng chưa mòn giấc mơ.Có đám cây trên đồi, sống trong trong mơ hồ.Ngày nào tròn trăng, lại nhớ đến tích xưa.Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ.Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ.Cho đến bây giờ. Đã thành đoàn cổ thụ già.Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa.Nàng đứng ôm con xem chàng về hay chưa?” mấy bậc kỳ lão miệt vườn cho rằng rất quen thuộc như lời kinh kệ. Mà đúng vậy, Lê Thương (1914-1996, sinh tại phố Hàm Long, Hà Nội trong gia đình đạo Thiên Chúa giòng) đã bộc bạch rằng ông sáng tác bài Ai xuôi vạn lý lúc ông ở Bến Tre, chạy giặc Pháp ruồng bố theo một ông Đầu tộc Cao Đài ở Chẹt Sậy, An Hóa nằm ven cửa biển Bình Đại (Bến Tre). Được gia đình ông Đầu tộc nầy giúp đỡ lúc hoạn nạn nhất là lúc bị bệnh thập tử nhứt sinh.Nghe những bài kinh tụng của gia đình, giai điệu trầm bổng của lời kinh thấm dần vào trí và ông đã đưa vào phần mở đầu của bản nhạcAi xuôi vạn lý.
Bàn xa hơn một chút, học giả Trần Văn Khê nói rằng thang âm trong bài hát ru con thường nghe ở Nam kỳ Lục tỉnh “Âu ơ…ơ…ví dầu…ầu…cầu ván ư.. ư…đóng đinh; cầu tre…ơ…lắc lẻo.. ơ… gập ghình…ơ…khó đi…” , được bắt gặp lại như trong bài kinh Niệm Hương của đạo Cao Đài “Đạo…gốc bởi …lòng thành…tín hiệp…Lòng …nương nhang…khói tiếp…truyền ra…Mùi hương…lư ngọc…bay xa…Kính thành…cầu nguyện…tiên gia…chứng lòng…”. 
Bài kinh nầy được đọc theo giọng ‘Nam ai’, toàn bài như sau:

                               “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp
                                Lòng nương nhang khói tiếp truyền ra
                                Mùi hương lư ngọc bay xa
                                Kính thành cầu nguyện tiên gia chứng long
                                Xin thần thánh ruổi giong cưỡi hạc
                                Xuống phàm trần vội gác xe Tiên
                                Ngày nay đệ tử khẩn nguyền
                                Chín tầng trời đất thông truyền chứng tri
                                Lòng sở vọng gắn ghi đảo cáo
                                Nhờ ơn Trên bổ báo phước lành ”.

 Gốc là bài kinh theo thể lục bát là của đạo Minh Lý, nhưng truy nguyên xa hơn thì bài Niệm Hương lại dựa vào Phần Hương Chú bằng chữ Hán của đạo Minh Sư (Đạo do tâm hiệp / Tâm giá hương truyền / Hường phần ngọc lư / Tâm chú Tiên nguyện…).

Nhiều bài kinh Cao Đài được đọc theo giọng ‘Nam xuân’, ‘Nam ai’, và các bài thài theo điệu ‘Đảo ngũ cung’.Theo Đại Nam quấc âm tự vị của Huynh Tịnh Của, ‘thài’ là ca theo điệu chúc.Trong các dịp cúng kỳ yên hay cúng thượng điền các cô gái hay đào thài là người trong làng được giao cho công việc vừa đi vừa hát những bài chúc tụng, dẫn đầu và theo sau là hai hàng học trò lễ hay lễ sanh từ võ ca đi vào chánh tẩm đình làng. Các đào thài hát các câu thài theo lớp lang của buổi cúng như câu thài mở đầu, câu thài nguyện hương, câu thài dưng hương, câu thài dâng rượu, câu thài dâng trà. Chẳng hạn như bài thài dưng rượu:
Gội ơn thần thánh muôn xuân / Phước dư ngàn thuở đức nhuần lẽ dân / Trung tuần hiếu tước đã rồi / Xã trung hương chức rạng dồi cao lương , hoặc thài dưng trà : Vơi vơi chén ngọc ve vàng / Phụng loan phất phới ô long ngọt ngào / Gội ơn thần thánh đượm dầm / Trẻ già trên dưới lâu dài nhớ ơn / Nay đã viên mãn mấy tuần / Muôn dân thiên tử, thái bình lẽ dân (hai bài thài vừa nêu do học giả Nguyễn Văn Hầu sưu tầm). 

Còn về tán tụng ở các chùa Phật giáo thì tụng là đọc to có trầm phù nhịp nhàng theo tiết tấu, có giọng 'lạc' (hay còn gọi là giọng 'thiền') hơi hướng vui vẻ, có giọng 'ai' nghe buồn buồn. Giọng 'lạc' thường nghe được trong các thời công phu buổi sáng, truyền pháp ngữ, cầu an. Giọng 'ai' dùng trong công phu buổi chiều, hay trong lúc cầu siêu. Tán là ca ngợi, khen tặng cao hơn tiếng tụng. Những người có tai thẩm âm và có kiến thức về nhạc tài tử Nam bộ cho rằng tán giọng 'lạc' nghe như có hơi nhạc, hơi ha. Còn trong nghi lễ của đạo Cao Đài các bài dâng hoa, dâng rượu, dâng trà thường là thất ngôn tứ tuyệt và được thài theo giọng ‘Đảo ngũ cung’. Tỉ như: 

 Thiên ân huệ chiếu giáng thiền minh
 Thành kính Trường Xuân chước tửu huỳnh
 Lạc hứng khấu cung giai miễn lễ
 Thoát tai bá tánh ngưỡng ân sinh (Cung hiến Tiên tửu), 
 Mai xuân nguyệt cúc vị trà hương  
 Kính lễ thành tâm hiến bửu tương
 Ngưỡng vọng từ bi giai tế phước
 Khai minh Đại Đạo hộ thanh bường (bình) ( Cung hiến Tiên trà).

Chắc hẳn cũng nên nói thêm, một số bài kinh của đạo Minh Lý như kinh Sám hối, bài Khai kinh, bài Niệm hương được đạo Cao Đài sử dụng. Đạo Minh Lý được sáng lập năm 1924, do từ đầu thập niên 1920 ông Âu Kiệt Lâm và một số bằng hữu nghiên cứu về nhân điện và tôn giáo qua các sách mua từ Pháp cùng với các kinh văn tôn giáo Đông phương tại Việt Nam, đúc kết tinh túy mà hình thành.Thánh sở của đao Minh Lý là Tam Tông miếu được xây dựng vào khoảng cuối năm 1926, tọa lạc tại số 82 đường Cao Thắng, Sài Gòn.Trước đó thì các tín đồ đạo nầy mượn tạm chùa Linh Sơn ở đường Cô Giang để đọc kinh Sám hối vào các ngày 14 và 30 âm lịch. Đạo Minh Lý không thờ thánh tượng mà thờ bài vị, ở ‘thiên bàn’ hay Bửu Điện thờ bài vị Diêu Trì Thánh Mẩu ở cấp thứ nhất, cấp thứ hai Ngọc Hoàng Thượng Đế và Hồng Quân Lão Tổ, cấp thứ ba thờ tam giáo tổ sư gồm Phật Thích Ca, Thái Thượng Lão Quân, Văn Tuyên Khổng Thánh, cấp thứ tư thờ tứ đại Bồ Tát là Địa Tạng Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quan Âm Bồ Tát, và cấp thứ năm gồm bảy bài vị của Ngũ Đẩu Tinh Quân và chư phật, chư tiên.

Các bậc khai sáng đạo Minh Lý cho rằng họ 'ngộ đạo' qua con đường ‘huyền cơ’ nhờ ơn trên truyền giảng đạo pháp.Việc giáng bút, cầu cơ hay xây bàn, ảnh hưởng Thông linh học Tây phương, dường như khá phổ biến ở nước ta vào đầu thế kỷ XX.Như Quách Tấn có kể chuyện tiên giáng cơ ở Phú Phong, Bình Định trong một đêm hè thời Khải Định (1916-1925):

“...Tiên giáng cọ, nhưng không xưng tên chỉ viết:Thỉnh Vân Sơn tiên sinh.Từ Phú Phong xuống Vân Sơn có trên vài chục cây số.Nếu đi thỉnh cho được cụ Nghè thì trời sáng rồi còn cầu khẩn gì nữa.Nên ai nấy đều ngó nhau.Chưa biết giải quyết cách nào cho ổn thì cọ viết cho biết rằng cụ Vân Sơn hiện đang nằm tại nhà một người bạn ở xóm trên.

Các nhân sĩ cho người đi mời.Cụ Nghè đương nằm mát ở nơi Tây hiên.Trời nóng nực ghẻ ngứa ngáy, cụ không ngủ được bèn nghĩ bài thơ ghẻ làm vui.Không giấy bút, nghĩ được câu nào cụ lấy tay viết lên không trung câu nấy. Nghe nói ‘tiên mời’, vụt cao hứng trở dây khoác áo đi ngay.

Cụ Nghè vừa đến nơi thì cọ liền cử động viết ngay một bài thơ.Cụ Nghe giật mình, vì chính là bài ‘thơ ghẻ’ cụ vừa phúc thảo.Tiếp theo cọ viết luôn bài thơ họa là một toa thuốc chửa ghẻ.Hỏi danh hiệu, cọ không đáp mà chỉ thách xướng họa thơ.Hai bên xướng họa cho đến gà gần gáy.Thơ xướng họa toàn bằng Hán tự và chỉ chứa đưng khí vị phong lưu, chớ tuyệt nhiên không đả động đến thời thế.Các nhân sĩ có ý chán, lần lượt bỏ về hết.Lúc đã thưa người, cọ liền viết một câu thơ Quốc âm:
                        Nghìn thu Hà Nhạc vương theo bóng
                        Một gánh quân thân gởi lại chàng
Cụ Nghe biết thần tiên không phải người xa lạ, nhưng chưa đoán biết là ai.Muốn hỏi mà chưa kịp hỏi thì cọ viết tiếp:
                        Chim kêu dưới suối Đá Dàng
                        Em còn chút mẹ cậy chàng viếng thăm
Cụ Nghè liền ôm cọ khóc rống: ‘Mai nguyên soái! Mai nguyên soái! Cố nhân ôi, cố nhân!’.
Câu chuyện không mấy lúc đã truyền xa.Nhưng rồi ngày lại qua ngày, già đi trẻ đến, câu chuyện bị gió mưa phai lạt, chỉ còn nghe Chim kêu dưới suối Đá Dàng” (Quách Tấn, Hương vườn cũ, NXB Hội Nhà Văn, 2007).Mà Đá Dàng là quê nhà của vị anh hùng Mai Xuân Thưởng, và qua câu chuyện nầy mọi người đều tin Mai Xuân Thưởng đã thành thần.

Hồi đầu thập niên 1960, hầu như tất cả những gia đình ở Lục tỉnh đều có lịch ‘Tam tông miếu’ để coi ngày tốt xấu, ngày khai trương, ngày dựng vợ gả chồng v.v, theo một anh bạn họa sĩ quê ở Sóc Trăng, lập nghiệp ở Sài Gòn hơn nữa thế kỷ kể lại lúc ấy chánh quyền không mấy tin tưởng loại lịch bói toán, tử vi và có mấy câu ‘huyền cơ’ tiên tri in dưới mấy tờ lịch. Sáng sớm một ngày nọ ông anh bà Bút Trà chủ báo Sài Gòn Mới, người chịu trách nhiệm soạn lịch, được mời tới văn phòng nha cảnh sát.Lúc này trên bàn có sẵn cuốn lịch ‘Tam tông miếu’, viên trung úy cảnh sát nói trong tờ lịch ngày hôm ấy có tiên đoán Sài Gòn có đổ máu, nếu không đúng thì ông sẽ bị giữ và từ năm tới chánh quyền sẽ không cho in lịch nầy nữa. May sao Sài Gòn hôm ấy có biểu tình và có đổ máu, ông anh bà Bút Trà được ra về và lịch ‘Tam tông miếu’ được phép in hàng năm. Anh bạn tôi nhấn mạnh, nhờ câu ‘huyền cơ’ ấy mà lịch ‘Tam tông miếu’ ăn đứt các lịch có tử vi khác, kể cả lịch từ Hồng Kông nhập qua.Như vậy những câu ‘huyền cơ’ từ cõi trên là có thể rất có thật và đáng tin.

Có thể nói việc giao tiếp với chư vị cõi trên qua phương tiện gọi là ‘giáng cọ’ hay ‘cơ bút’ hoặc ‘xây bàn’ và tiếp cận người dân Nam kỳ Lục tỉnh qua các bài bản nhạc tài tử rất phổ biến trong mấy thập niên đầu thế kỷ XX.
                                 
                                                       ĐẠO CAO ĐÀI

 Đạo Cao Đài cũng hoằng pháp trong giai đoạn này nên hai ‘phương tiện’ nói trên cũng được sử dụng để thu hút tín đồ vùng Lục tỉnh.Đạo Cao Đài,danh xưng đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, khai đạo vào ngày rằm tháng Mười âm lịch (nhằm ngày 18/11/1926 dương lịch) tại chùa Gò Kén (Từ Lâm tự) tỉnhTây Ninh.Biểu tượng của đạo là ‘thiên nhãn’ với ý nghĩa ‘Hoàng thiên hữu nhãn’ (Trời cao có mắt). ‘Con mắt trái’ được đạo Cao Đài thờ vì con mắt tượng trưng cho Đức Chí Tôn chủ quản Khí Dương quang, phía trái thuộc Dương theo Kinh Dịch.Bất cứ dân tộc nào cũng biết vẽ con mắt để thờ, không phân biệt chủng tộc, nên ‘thiên nhãn’ mang tính đại đồng.

Bốn chữ ‘Tam Kỳ Phổ Độ’, tôn chỉ của đạo, có nghĩa ‘cứu độ nhân sinh lần thứ ba’. Lần phổ độ thứ nhất là thời thượng ngươn khai đạo với sự xuất hiện của Thái Thượng Lão Tổ (Thái Thượng Lão Quân) và Nhiên Đăng Cổ Phật. Lần phổ độ thứ hai, gọi là hội trung ngươn, xuất hiện Lão Tử, Phật Thích Ca, Khổng Tử, Chúa Giê-su. Lần phổ độ thứ ba, đạo Cao Đài xuất hiện do Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Đấng Chí Tôn là chủ mối đạo, cứu độ chúng sinh lần cuối cùng và gồm thâu các đạo xuất hiện trước đây vào một mối hay Đại Đạo. Người tu theo đạo Cao Đài phải theo trình tự lập đức, lập công, lập ngôn như vậy mới về được với Đấng Chí Tôn theo con đường 'Cửu thiên khai hóa'.

Lập đức tức là học để biết Đạo, phải tu thân, trì giới, bố thí và tịnh luyện.Trong tu thân người tu phải đạt được ngũ thường nghĩa là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.Trì giớilà phải thuộc kinh, giữ 'giới' tuân hành giới luật chính đạo.Giữ giới theo đạo Cao Đài là tuân hành 'ngũ giới cấm' (nhất bất sát sanh, nhì bất du đạo, tam bất tà dâm, tứ bất tà dâm, ngũ bất vọng ngữ) và 'tứ đại điều quy' (tuân theo lời dạy bề trên, nghe điều độ bề dưới theo điều hành của mối đạo, sám hối khi phạm lỗ lầm; không cao ngạo khoe tài, đối xử với người trong đạo không thiên vị, không nhớ cừu riêng, đè ém người hiền, khiêm cung với kẻ dưới người trên...). Bố thí hành tập bốn chữ 'tài, công, ngôn, pháp'. Thí tài là đem tiền của giúp người nghèo khó.Thí công là đem sức lực làm công việc giúp người. Thí ngôn là dùng lời đưa ý giúp giải quyết khó khăn của người khác. Thí pháp là đem lẽ Đạo để cảm hóa người khác. Giai đoạn cuối của lập đức mà người theo đạo kinh qua là tịnh luyện. Sau khi việc đời đối với chính bản thân hoặc gia đình coi như viên mãn, giữ trai giới trên sáu tháng thì phải vào tịnh thất tu luyện.

Đem công sức mình phụng sự nhơn sanh gọi là lập công. Lập công được chia làm ba phần: công phu, công quả và công trình. Công phu là học tập để thông hiểu giáo lý, kinh kệ (kinh thiên đạo, kinh thế đạo, chân luật pháp chánh truyền, v.v) và cúng Đấng Chí Tôn vào tứ thời (Tý-mười hai giờ khuya; Mẹo-sáu giờ sáng; Ngọ-mười hai giờ trưa; Dậu-sáu giờ chiều). Công quả là làm những việc bao gồm các việc làm giúp người, giúp đời, phụng sự Đạo và nhơn sanh. Công trình là giữ gìn giới luật để đạt được hạnh tu hành.Lập ngôn là nói lời chân thật, chánh đáng và có đạo đức nhằm tránh khẩu nghiệp, không làm ai phiền giận và tai hại cho mình.

Ý tưởng khởi nguồn đạo Cao Đài từ buổi cầu cơ được Cao Đài tiên ông giáng cơ vào một đêm trong năm 1919 tại Tân An do ông Ngô Văn Chiêu (1887-1932) chủ đàn. Thực ra thì đã có những buổi cầu cơ từ 1909, của ông Ngô Văn Chiêu người ta thấy có sự tham gia của nhà giáo, dịch giả Trần Phong Sắc, Lê Kiến Thọ (Bộ Thọ), và Đốc phủ sứ Lê Văn Kiến.
Ông Ngô Văn Chiêu đậu bằng Thành chung, làm công chức, khi làm chủ quận ở Hòn Chông -Hà Tiên. Trong khoảng thời gian từ 1921 đến giữa năm 1924 ở đó ông đã xây bàn thờ, xây dựng kinh và tiến hành tu đạo. Cuối năm 1924 về làm việc tại phủ Thống đốc Nam kỳ, ông Ngô Văn Chiêu cùng với ông Vương Quan Kỳ đồng nghiệp cùng sở, Đoàn Văn Bản -Đốc học trường Cầu Kho, Võ Văn Sang, Nguyễn Văn Hoài, Lý Trọng Quý lập nhóm Cao Đài.

Giữa năm 1925, một nhóm công chức yêu nhạc và thơ văn tin có thế giới vô hình khác là Phạm Công Tắc (1890-1959), Cao Quỳnh Cư (1887-1929), Cao Hoài Sang (1900-1971) hình thành một nhóm Cao Đài khác, nhóm nầy có thêm các ông Nguyễn Trung Hậu (1892-1961), Nguyễn Ngọc Tương (1881-1951; Thơ ký Phòng Thương mại Sài Gòn rồi quận trưởng Cần Giuộc-Chợ Lớn, sau bỏ về quê ở Bến Tre mở Hội buôn An Nam và hội Khuyến Văn), và Lê Văn Trung (1875-1934; Nghị viên Đông Dương - Membre du Conseil Supérieur de l'Indochine, sau có chân trong Hội đồng Tư vấn -Conseil Privé- của chánh phủ). Các tín đồ Cao Đài tin rằng cơ giáng của Thượng Đế vào đầu hạ tuần tháng Hai năm 1926 nêu rõ tên 13 vị đầu tiên sáng lập đạo:
           
             Chiêu, Kỳ, Trung độ dẫn Hoài sanh
            Bản độ khai Sang, Quý, Giảng thành
            Hậu, Đức, Tắc, Cư thiên địa cảnh
            Hườn, Minh, Mẫn đáo thủ đài danh

đó là Ngô Văn Chiêu, Vương Quang Kỳ, Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Hoài, Võ Văn Bản, Võ Văn Sang và Cao Hoài Sang, Lý Trọng Quý, Lê Văn Giảng, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, Phạm Công Tắc, Cao Huỳnh Cư. Còn Hườn, Minh, Mẫn là ba vị nhân sĩ tham dự buổi cầu cơ hôm ấy.

Cao Dai Tay Ninh Holy See

Giáo Hội Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh được tổ chức tương tự như hệ thống nhà nước với tam quyền phân lập.
Giáo hội trung ương đứng đầu là Giáo Tông  có Hiệp Thiên ĐàiCửu Trùng Đài và Bát Quái Đài. Giáo Tông là người thay mặt đức Chí Tôn tại thế.Giáo Tông dầu nhỏ tuổi hơn Hộ Pháp nhưng về phần thiêng liêng thì đồng vị.

* Hiệp Thiên Đài lo bảo tồn pháp luật ,gìn giử các cơ quan Chính Trị Đạo đi trong khuôn viên đạo pháp ,giữ độc quyền về cơ bút thể hiện quyền lực của Thượng Đế. Đứng đầu là đức Hộ Pháp,là người nắm cơ màu nhiệm của Đạo ,tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm.
Hiệp Thiên Đài có 3 chi là chi Đạo, chi Pháp và chi Thế.
Hộ Pháp chưởng quảng Hiệp Thiên Đài và kiêm chỉ huy chi Pháp . Dưới có các vị Bảo Pháp, Hiến Pháp, Khai Pháp và Tiếp Pháp.
Thượng Phẩ̉m̉ là người thay mặt Hộ Pháp, tùng lịnh Hộ Pháp chỉ huy chiĐạo dưới có : Bảo Đạo, Hiến Đạo, Khai Đạo và Tiếp Đạo.
Thượng Sanh là người lo về phần đời,mọi việc chi thuộc về đời thì về quyền của Thượng Sanh, chỉ huy chi Thế, dưới có Bảo Thế, Hiến Thế, Khai Thế và Tiếp Thế.
Ba chi có tổng cọng 12 vị có tên Bảo, Hiến, Khai,Tiếp gọi là Thập Nhi Thời Quân.
Đài nầy có 9 viện là Hộ, Công (ban đầu gọi là Lương), Nông, Ngoại, Nội, Học, Phước (ban đầu là Y), Lễ, Hòa; Cơ quan Phước thiện, đứng đầu là Phật Từ rồi kế đến là Tiên Từ, Thánh Nhơn, Hiền Nhơn v.v ..

* Cửu Trùng Đài theo pháp luật mà hành đạo để độ chúng sanh.Đứng đầu là đức Giáo Tông .Dưới quyền có 3 Chương̉ Pháp,3 Đầu Sư, 36 phối sư . 72Giáo Sư và 3000 Giáo Hữu.
Chức sắc Cưủ Trùng Đài chia làm 3 phái là phái Thái về Phật giáo, pháiThượng về Tiên giáo và  phái Ngọc về Khổ̉ng giáo
Tóm lại Giáo Tông là người dẫn dắt tín đồ. 
Chưởng Pháp xem xét luật lệ trước khi thi hành. Luật lệ nào không có ấn của 3 Chưởng Pháp thị nhận và Hiệp Thiên Đài không phê chuẩn thi chư tín đồ không tuân hành.
Ba Chưởng Pháp thay mặt cho ba phái Tiên, Phật, Nho. Kế đến là 3 vị Đầu Sư lo phần đạo phần đời cho tín đồ.Mỗi phái có 1 vị Đầu Sư. Đầu Sư của phái Thượng (Tiên) mặc áo màu xanh da trời, phái Thái (Phật) mặc màu vàng, phái Ngọc (Nho) mặc màu đỏ.
 Dưới mỗi Đầu Sư có 12 vị Phối Sư (kể cả 1 Chánh Phối Sư), rồi kế đó là 24 vị Giáo Sư có nhiệm vụ dạy dỗ việc đạo việc đời, chăm lo việc quan hôn tang tế của tín đồ. Các phẩm hàng kế tiếp là Giáo Hữu, Lễ Sanh ( Đầu Tộc ), Chánh Trị Sự , Phó Trị Sự  và Thông Sự.

* Bát Quái Đài là nơi thờ phượng.Nơi nắm thiên điều làm cân thưởng phạt thiêng liêng và cách Cửu Trùng Đài một cánh cửa như Niết Bàn cách phàm trần có một xác thân.
Bát Quái Đài là Bạch Ngọc Kinh tại thế gian , là toà ngự của Thần ,Thánh ,Tiên , Phật dưới quyền chưởng quản của Đức Chí Tôn nghĩa là Đức Chí Tôn làm chủ.

Đạo Cao Đài hình thành và phát triển nhanh, tuy nhiên cũng nhanh chóng phân hóa nhanh.
Ngay từ buổi đầu ta thấy có hai phái, phái của ông Ngô Văn Chiêu tin vào cầu cơ và chủ trương tu kỹ với quan điểm nội giáo tâm truyền và 'khi bản thân chưa thành đạo thì không nên độ người khác', trái lại phái của Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang thì chủ trương 'ngoại giáo công truyền' và 'khởi đạo trễ một ngày thì sẽ hại nhơn sanh'.
Tuy qua trung gian của ông Vương Quang Kỳ, việc hợp nhất giữa hai nhóm bất thành vì quan diểm khác biệt và cũng từ đó sự bất hòa bộc phát rõ nét vào cuối năm 1926. Đại đa số các tín đồ theo hướng dẫn ông Ngô Văn Chiêu ở Cần Thơ và họ lập nên phái Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (tổ đình ở Cần Thơ). Thực hành quan điểm vô vi nên không tổ chức giáo hội, không hệ thống chức sắc, chỉ thâu nhận những người có tâm và được các đấng ở cõi thượng thiên chấp nhận qua nghi thức 'xin keo'.

Sau năm 1954, một số tín đồ muốn phát triển phương thức tu hành tâm pháp nầy, mở rộng việc thu nhận tín đồ, cải cách phương pháp thờ phụng và tổ chức hệ thống nên đã tách thành một chi phái có tên là Chiếu Minh Long Châu, đặt tổ đình ở Hậu Giang.

Trong lúc ấy dân mấy tỉnh Nam kỳ theo đạo Cao Đài rất đông nên phái của ông Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư quyết định phát triển thêm và lập Tòa thánh tại Long Thành, Tây Ninh vào cuối tháng 9 năm 1926. Không lâu sau đó thì lại có sự bất đồng nội bộ giữa các chức sắc trong phái nầy với nhau.
 Năm 1930 ông Nguyễn Hữu Chính, Lê Kim Tỵ lập Cao Đài Tiên Thiên tại tỉnh Định Tường sau trụ sở dời về Phú Nhuận, Gia Định, hai năm sau ông Nguyễn Văn Ca lập Cao Đài Minh Chơn Lý ngay tại Mỹ Tho.

Năm 1934 ông Trần Đạo Quang (từ đạo Minh Sư ở Linh Quang tự) lập Cao Đài Minh Chơn ở Bạc Liêu, cũng trong năm nầy ông Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang lập Ban Chỉnh Đạo tại Bến Tre.
Tín đồ thuộc Ban Chỉnh Đạo Năm đã bầu Ông Nguyễn Ngọc Tương vào chứcGiáo Tông và hệ thống phẩm hàm, tu tập có khác biệt với Tòa thánh Tây Ninh dù nhiều người cho rằng 'đại đồng tiểu dị'.
Đáng kể nhất là bất đồng nội bộ gay gắt giữa Ban Chỉnh Đạo và Tòa thánh Tây Ninh đã đưa đến sự tuyệt giao kể từ năm 1938.
Năm 1936 ông Tô Bửu Tài và Trương Minh Tòng lập Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý ở Rạch Giá.

Năm 1945 ông Nguyễn Hữu Đắc - một cựu hội viên Hội đồng Thành phố - lập liên kết các phái Cao Đài trong tổ chức Cao Đài Hiệp Nhứt, Ủy ban Điều hành được thành lập và ông Cao Triều Phát (Bạc Liêu) làm chủ tịch và ông Lê Kim Tỵ làm phó chủ tịch.
Tính đến năm 1975, đạo Cao Đài có 25 phái lớn với khoảng 2 triệu tín đồ.

Sau năm 1975 chỉ có 9 phái được chánh quyền công nhận, theo thứ tự thời điểm công nhận, gồm: Chiếu Minh Long Châu, Cao Đài Tiên Thiên, Minh Chơn Lý, Minh Chơn Đạo, Ban Chỉnh Đạo, Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý, Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Cầu Kho, Cao Đài Tam Quan, Cao Đài Truyền Giáo.

Kỹ sư  Trần Quốc Dzũng
 P.Thí nghiệm VQGĐC Biên Hòa / VN

                                                         ***********************************
           
  NGUYÊN NHÂN XUẤT HIỆĐẠO CAO ĐÀI TÒA THÁNH TÂY NINH

Tài liệu dưới đây chép lại từ cuốn  GIÁO LÝ của Sọan Giả Tiếp Pháp Trương Văn Tràng
                                          In tại San Jose / USA  năm 2000
Từ trang 18 tới 21.

“ Chúng tôi còn nhớ vào khỏang thượng tuần tháng 6 năm Ất Sửu (1925), tại Đô Thành Saigon thình lình phát khởi một phong trào Phò cơ, Chấp bút, Xây bàn……………
Tại trung tâm Saigon có một nhóm công chức bắt chước xây bàn, cầu các Đấng Thiêng Liêng học hỏi văn chương. Ban đầu họ dùng lối xây bàn để tiêu khiển, nhưng về sau vì ham mộ thi phú mà họ theo đuổi phép “Thông Thần Lực”̣ ( Mediumnite ) đến mức vi diệu…..

Đến một đêm kia, thình lình có một Đấng giáng đàn với một thần điễn phi thường và tự xưng là A,Ă,Â

Về sau chúng tôi hiểu ra thì A, Ă,  chính là Đức Cao Đài Thượng Đế. Đức Ngài nói rằng :
Ta phải hạ mình là một Chơn linh thường, để cảm hóa các con

Thiết tưởng lúc đó, Đức Chí Tôn tiết lộ cho chúng ta biết rằng Đức Ngài là Thượng đế thì ắt chúng ta không dám lân la học hỏi.
Mãi đến ngaỳ 30 tháng 10 Ất Sửu, nhằm ngày 15-12-1925 DL, Đức Chí Tôn dạy phải lập bàn Vọng Thiên cầu Đạo và dùng lối Phò Cơ để tiếp xúc với Đức Ngài.


Hình chụp Đại Ngọc Cơ dùng để cầu cơ tại Tòa thánh Tây Ninh

Hai vị đồng tử cầm hai biên miệng giỏ, trong giây phút thì có Đấng Thiêng Liêng giáng điển huy động và viết ra chữ.
Giỏ Ngọc Cơ đương bằng tre,cần bằng cây dương liễu hay cây Dâu, đầu chạm hình chim Loan, cây cọ bằng cây mây, dùng viết chữ xuống mặt bàn cơ. Người đứng ngoài có thể đọc chữ được .

Đêm 24-12-1925, là ngày Chúa Jesus Christ giáng sanh mở Đạo bên Thái Tây, Đức Chí Tôn giáng Cơ dạy rằng :

Ngọc Hòang Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương “.
                                                   THI :
                           “Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền,
                            Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
                            Đạo màu rưới khắp nơi trần thế,
                            Ngàn tuổi muôn tên giử trọn biên.”

Đến đây, chúng tôi mới hiểu rằng phong trào phò cơ, chấp bút, xây bàn trước kia là tiên triệu ( signes  précurseurs) cho một nền Tân Tôn Giáo xuất hiện tại xứViệt Nam.” 


             ĐẠO CAO ĐÀI ĐƯỢC TRUYỀN DẠY NHỮNG GÌ QUA CƠ BÚT ?

Tìm hiểu trong những cuốn sách nầy viết rất đầy đủ : 

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đại Thừa Chơn Giáo phái Chiếu Minh, Thiên Đạo, Giáo Lý, Tân Luật Pháp Chánh Truyền, Chánh Trị Đạo, Tòa Thánh Tây Ninh, Nghi Lễ Tóm Lược, Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Thánh Ngôn Sưu Tập.

He Dương  / CA / USA

No comments:

Post a Comment